Phát hiện tấm bia Bia Xá Lợi Tháp Minh

Năm 2004, ông Nguyễn Văn Đức (thôn Xuân Quan, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đào đất làm gạch ở gần khu vực chùa làng (Chùa Xuân Quan), đã va phải một vật rất cứng. Đó chính là tấm bia Xá lợi tháp minh. Khi đó, bia gồm hai phần úp khít vào nhau, được kết dính bằng một chất nào đó chưa rõ, phải dùng mai đào đất mới tách đôi được. Bia được tìm thấy cùng một hòm đá cũng bao gồm phần nắp và phần thân. Ông Đức sau đó mang tấm bia này cất giữ đến năm 2012. Trong thời gian này, ông có cho một vài người biết đôi chút chữ Hán Nôm xem[2].

Vị trí ông Đức phát hiện bia đá và một số di vật khác ở khu đồng Sau Chùa (khu vực này xưa thuộc đất chùa), cách chùa Xuân Quan hiện nay 20m[1]. Ông Đức từ đó giữ tấm bia kín đáo đến mức người nhà cũng không biết ở đâu. Năm 2012, sau khi biết về giá trị của tấm bia, ông Đức đã hiến tặng tấm bia cho Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh mà không đòi hỏi gì về vật chất. Tuy nhiên, bảo tàng đã tặng ông một tấm gò đồng hình chữ An (安) của làng Đại Bái[2].